TÂM CHÂN THÀNH LÀ RẤT QUAN TRỌNG


TÂM CHÂN THÀNH LÀ RẤT QUAN TRỌNG

Hiện nay chúng ta đã học Phật rồi, học Phật thì phải đến thế giới Cực Lạc, nếu giả dối không thật lòng thì không đến thế giới Cực Lạc được, ở nơi đó mọi người ai ai cũng dùng chân tâm, nếu bạn không dùng chân tâm thì bạn không đến đó được. Cho nên vọng tâm niệm Phật, một ngày có niệm đến hai trăm ngàn câu Phật hiệu, cổ nhân nói đau mồm rát họng cũng uổng công, tại sao vậy? Vì tâm không thật, tâm không thật thì câu Phật hiệu đó chẳng có tác dụng gì. Chính là chư Phật Bồ-tát không thừa nhận việc bạn niệm câu Phật hiệu này, bạn là giả dối không thật lòng, bạn không phải dùng chân tâm. Điều nầy rất quan trọng, rất quan trọng. Cho nên tâm chân thành là rất quan trọng, có một số người nói, thế giới này hiện nay là thế giới dối gạt người, mỗi người đều giả dối không thật lòng, tôi dùng chân tâm vậy không phải là tôi bị thiệt thòi, bị mắc lừa sao? Bạn vừa sợ bị thiệt thòi vừa sợ mắc lừa nên bạn giả dối không thật lòng để đối phó với mọi người, được rồi, bạn không đến được thế giới Tây Phương, đời đời kiếp kiếp vẫn ở trong sáu cõi luân hồi, đây mới là thiệt thòi lớn. Trước mắt bị thiệt thòi một chút, bị mắc lừa một chút cũng chẳng có sao, ta sống được một trăm tuổi thì chịu thiệt thòi nhiều nhất là một trăm năm, bị mắc lừa một trăm năm. Sau khi bị mắc lừa rồi thì chúng ta không bị mắc lừa nữa, ta đi đến thế giới Cực Lạc thì không còn bị mắc lừa nữa. Cho nên món nợ này ta phải trả, không sợ bị thiệt thòi, không sợ bị mắc lừa, mọi người đối với ta giả dối không thật lòng, ta chân thành đối với mọi người.

Chư Phật Bồ-tát dùng tâm chân thành đối với tất cả chúng sanh, ta cũng dùng tâm chân thành. Tâm chân thành khởi tác dụng, tâm chân thành đối với bản thân mình thì gọi là thâm tâm. Thâm tâm không dễ hiểu, tôi đã nói đến ba tâm: tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, đây chính là thâm tâm. Đối với bản thân mình phải thanh tịnh, phải bình đẳng, phải giác ngộ, đối với bản thân mình không thể mê hoặc. Nếu bạn giả dối không thật lòng thì tâm của bạn nhất định là tâm nhiễm ô, là tâm không bình đẳng, là tâm mê hoặc điên đảo, vậy là bạn bị thiệt thòi quá lớn rồi. Sáu chữ “thanh tịnh bình đẳng giác” trong kinh Vô Lượng Thọ là thâm tâm, nếu bạn đạt được thanh tịnh bình đẳng giác thì cuộc sống của bạn rất an lạc, bạn rất hạnh phúc, rất là mỹ mãn, trong tâm không có lo âu, không có bận tâm, không có phiền não.

Tôi thường nói, nhất định không đối lập với tất cả người, việc, vật. Không có đối lập, không có mâu thuẫn, đây là chân tâm. Đối xử với người khác với tấm lòng từ bi, từ bi là tâm thương yêu chân thật, tâm thương yêu thanh tịnh, đây là tâm Phật, đây là cái tâm vốn có của chính chúng ta. Chúng ta vốn có là cái tâm này, hiện giờ thì đã mê mất chân tâm rồi. Sau khi mê thì chân tâm biến thành vọng tâm. Hiện nay, trong cuộc sống hằng ngày, vọng tâm đã làm chủ, không nhìn thấy chân tâm. Chân tâm không hiển lộ ra không phải là không có. Chân tâm vĩnh viễn không rời xa ta, nhưng từ trước đến giờ bạn không quan tâm đến nó, không hỏi thăm đến nó, cho nên tuy là có nhưng nó không khởi tác dụng, vì vậy mà tạo ra sáu nẻo luân hồi.

Nền tảng của việc học Phật, trước đây lão sư Lý thường nói với tôi, cách học Phật như thế nào? Là sửa chữa tâm, thay đổi tâm. Thay đổi tâm không phải là bảo bạn đi phẫu thuật để thay tâm, mà là thay vọng tâm thành chân tâm, thay tâm giả dối thành tâm chân thành, vậy mới đúng. Chỉ có sự chân thành đối nhân xử thế tiếp vật là vĩnh hằng không thay đổi, tuyệt đối không bị thiệt thòi, tuyệt đối không bị mắc lừa, chẳng lo sợ một chút nào.

TRÍCH TỪ BÀI GIẢNG, PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 325)
  Chủ Đề: 

No comments