Nhân Quả


NHƯ THẾ NÀO GỌI LÀ NGHIỆP
Dùng lời hiện tại mà nói, chính là ở ngay trong cuộc sống thường ngày, mỗi ngày làm việc đối nhân xử thế tiếp vật, bao gồm tất cả hành vi, ngay khi đang làm thì chúng ta gọi là "sự", sau khi việc làm xong rồi, kết quả của nó thì gọi là "nghiệp", cho nên nếu bạn làm việc tốt thì gọi là thiện nghiệp, làm việc không tốt thì gọi là ác nghiệp, “nghiệp” là kết quả của làm việc. Chúng ta đi học ở trường học, bài khóa gọi là tác nghiệp, khi học xong khóa trình thì gọi là kết nghiệp, trường học qui định cho chúng ta, tất cả khóa trình đều phải học hoàn tất thì gọi là tốt nghiệp.
Nghiệp ở chỗ nào vậy? Chúng ta không nhìn thấy, không nghe được, cũng không sờ được. Phật nói với chúng ta, nghiệp ở ngay trong A Lại Da Thức. Lời nói này người thông thường không dễ hiểu, cái gì gọi là A Lại Da Thức? Chúng ta dùng lời hiện tại mà nói, nghiệp ở ngay trong ấn tượng của bạn, thí dụ ngày trước bạn làm tất cả nghiệp thiện ác, hiện tại bạn vừa nghĩ lại thì có thể nhớ ra được. Vì sao bạn có thể nhớ đến sự việc của ngày hôm qua, sự việc của ngày hôm kia, sự việc của năm trước, thậm chí sự việc của mấy mươi năm trước, vì sao bạn có thể nhớ ra được? Chắc chắn có một nơi giúp bạn lưu giữ những dữ liệu đó, nơi lưu giữ những dữ liệu này trong nhà Phật gọi là A Lại Da Thức. "A Lại Da" là tiếng Ấn Độ, dịch ra là "tàng thức", kho tàng, kho dữ liệu. Từng li từng tí gì của bạn, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, đều được cất chứa trong kho dữ liệu này, không hề sót lọt. Con người chúng ta chết rồi không mang theo bất cứ thứ gì, nhưng nghiệp có thể mang theo, vì sao vậy? Thứ hữu hình thì không thể mang đi nhưng “nghiệp” là vô hình, nó sẽ đi theo bạn. Chúng ta nghĩ đến sự việc này thì thật là đáng sợ, thế gian không có bất cứ thứ gì đáng để quan tâm, chỉ có việc này chân thật đáng để chúng ta quan tâm!
Khi tư tưởng của chúng ta bất thiện, lời nói bất thiện, hành vi bất thiện thì trong A Lại Da Thức vĩnh viễn sẽ không mất đi, bạn nghĩ xem thứ này có phiền phức hay không? Sau khi hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta nhất định không tạo ác nghiệp. Cũng như trong bộ kinh này, Phật khai thị rất quan trọng với chúng ta, đây là khai thị cương lĩnh. Chúng ta đem mấy câu Kinh văn trích lục ra và viết ở phía trước của quyển Kinh, đây là những câu nói quan trọng nhất của quyển Kinh này.
Chúng ta đoạn ác phải đem ác đoạn được sạch sẽ, chúng ta tu thiện phải đem việc thiện làm được viên mãn. Đây là việc của chính mình, không liên quan với người khác. Cho dù người khác dùng bất cứ phương thức gì đối với ta, họ đối với ta tốt thì ta cảm kích họ, họ đối với ta không tốt thì quyết định không nên để ở trong lòng, để ở trong lòng thì thế nào? Thì bạn chính mình không qua được với chính mình. Cho nên ở trên kinh này, Phật dạy bảo chúng ta "ngày đêm thường niệm thiện pháp" là tâm của bạn thiện, "tư duy thiện pháp" là tư tưởng của bạn thiện, "quán sát thiện pháp" là hành vi của bạn thiện, "bất dung hào phân, bất thiện xen tạp" thì cái ác của bạn mới xả được sạch trơn, cái thiện của bạn mới tu được viên mãn. Người khác đắc tội với chúng ta, hủy báng chúng ta, nhục mạ chúng ta, hãm hại chúng ta, tất cả đều là giả, "phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng" thì hà tất bạn phải đem nó để vào kho chứa để làm dữ liệu? Chúng ta phải học Phật và Pháp Thân Đại Sĩ, kho dữ liệu mở ra chỉ toàn là thiện, không có bất cứ thứ bất thiện nào xen lẫn trong đó, con người này thành Phật rồi! Thập Thiện Nghiệp Đạo tu được viên mãn chính là Vô Thượng Bồ Đề, chính là viên mãn Phật quả.
Chúng ta thường hay xem thấy trên đỉnh hào quang của tượng Phật có ba chữ "Án- A- Hồng", cách vẽ trên tượng Phật đều cùng cách làm này, có khi dùng Phạn văn để viết, cũng có khi dùng Hán văn để viết, có lúc dùng Tạng văn để viết. Ba chữ này ý nghĩa là gì? Khi mới học Phật thì tôi không biết, nên thỉnh giáo với Đại sư Chương Gia. Lúc đó tôi xinchữ của Ngài, Ngài liền viết cho tôi ba chữ "Án- A- Hồng" bằng Tạng văn tặng cho tôi. Ba chữ này có ý nghĩa gì? Nói với ta là mười thiện viên mãn! "Án" là “Thân thiện viên mãn”, "A" là “Ngữ thiện viên mãn”, "Hồng" là “Ý thiện viên mãn”.
Bạn xem, Thập Thiện Nghiệp Đạo là từ khi bạn mới bắt đầu học Phật cho đến khi học viên mãn thì thành Phật. So với ngũ giới thì Thập Thiện Nghiệp Đạo còn sâu hơn, rộng hơn, bởi vì người khi chưa vào cửa Phật, khi vẫn chưa thọ giới, trước tiên cần tu mười thiện. Ngũ giới là chúng đệ tử Phật truyền thọ, thập thiện là Phật khuyến hóa đối với tất cả chúng sanh, ý này bao rộng bao sâu? Đây là dạy chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày, trong công việc, đối nhân xử thế tiếp vật, đều phải tuân thủ cái nguyên tắc này. Được rồi, hôm nay thời gian đã hết. Chúng ta chỉ giảng đến đây thôi. Ý của đề kinh này vẫn chưa giảng hết. Ngày mai chúng ta sẽ nói tiếp. A Di Đà Phật.
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
TRÍCH TỪ BÀI GIẢNG KINH THẬP THIỆN NGHỆP ĐẠO (TẬP 4) HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG GIẢNG
A Di Đà Phật
  Chủ Đề: 

No comments