LỄ PHẬT CÓ RẤT NHIỀU ĐIỀU LỢI

Lễ Phật. Lễ lạy thật sự mà nói là có rất nhiều điều lợi, cơ thể con người là một bộ máy, là bộ máy thì phải chuyển động, không chuyển động thì nó sẽ bị gỉ sét, nó sẽ bị hỏng, cho nên thân này phải động, nhưng tâm thì phải thanh tịnh. Tâm không phải là vật chất, điều này nhất định phải biết, tâm không phải là vật chất cho nên tâm phải thanh tịnh, nhà Phật nói là đạo dưỡng sinh. Cho nên để biểu pháp cho bạn xem, họ dùng vòng tròn, dùng bánh xe pháp để biểu pháp.
Luân tức là vòng tròn, chu vi vòng tròn nhất định phải chuyển động thì nó mới có tác dụng, nhưng cái tâm của vòng tròn thì không thể chuyển động, tâm mà chuyển động thì vòng tròn liền bị phá hỏng. Vòng tròn là thân thể của chúng ta, con người chúng ta hiện nay đã điên đảo rồi, nếu thân mà không vận động thì tâm sẽ nghĩ ngợi lung tung, làm sao mà bạn không bị bịnh chứ? Đương nhiên là sẽ bị bịnh. Tôi nghĩ những đồng tu chúng ta ít ra cũng đã học qua trung học, trong môn hình học ở trung học có dạy hình tròn, nếu cái tâm hình tròn luôn luôn chuyển động, vậy thì cái hình tròn đó có thể vẽ được không? Không vẽ được.
Cái tâm không thể chuyển động, tâm động thì thân liền bị hỏng, bệnh tật gì cũng là do tâm của bạn động cho nên mới sinh ra, bạn mới có bệnh. Nếu bạn muốn phục hồi sự khỏe mạnh thì trị ở chỗ nào? Ở chỗ tâm không động, tu tâm thanh tịnh thì bệnh tật trên thân thể của bạn sẽ nhanh chóng phục hồi, đây cũng là một bí quyết. Bạn chỉ cần hiểu được đạo lý này thì hàng trăm thứ bệnh không thể sinh ra. Khỏe mạnh vui vẻ là do tu tâm thanh tịnh, cho nên tâm không thể động. Việc lạy Phật có thể có được hiệu quả, lạy Phật là thân động nhưng tâm không động, tâm thì định trong khi thân đang động, tương ưng với cái vòng bánh xe, đạo dưỡng sinh chẳng qua là phương pháp này mà thôi.
Có một năm tôi ở Los Angeles, có một vị đồng tu thân thể không khỏe, ông ấy đến hỏi tôi, ông đã 60 tuổi rồi, tôi bảo ông ấy lạy Phật.
Tôi nói mỗi ngày ông nên lạy 100 lạy, buổi sáng lạy 50 lạy, buổi tối lạy 50 lạy, cứ kiên trì không gián đoạn. Năm sau tôi đến Los Angeles, ông ấy đến thăm tôi, ông rất vui vẻ, ông nói “thưa Pháp sư thân con đã hết bịnh rồi”. Ông nói lạy Phật tốt vô cùng, mỗi ngày lạy 100 lạy, trong khi lạy Phật, trong tâm niệm thầm A Di Đà Phật, không nên niệm ra tiếng. Trong lúc bạn đang lạy Phật niệm ra tiếng sẽ tổn khí. Trong lúc niệm Phật khi chỉ tịnh thì không được niệm ra tiếng, lúc nào thì mới niệm Phật ra tiếng? Là lúc kinh hành nhiễu Phật, đi nhiễu Phật niệm ra tiếng thì tốt. Chỉ tịnh và khi ngủ thì Phật hiệu trong tâm không gián đoạn, nhưng không niệm ra tiếng. Bồ-tát Thiên Thân mỗi ngày lạy Phật. Rốt cuộc là lạy bao nhiêu lạy? Phải xem thời gian của chúng ta, xem công việc của chúng ta, xem ta có bao nhiêu thời gian, không tính số lượng cũng không sao. Ta lạy 20 phút, ta lạy nửa giờ đồng hồ, hoặc là lạy một giờ đồng hồ. Người xuất gia thì lạy hơn nửa cây nhang, lạy trong vòng một cây nhang, cây nhang ở Trung Quốc dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Buông bỏ tất cả ý niệm, lạy Phật là cách tu hành tốt nhất, tương ưng với pháp môn của Tịnh Tông.
TRÍCH TỪ BÀI GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ (TẬP 348) HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
  Chủ Đề: 

No comments