Những kỷ vật miền Nam Việt Nam | VOA Tiếng Việt


Một tấm hộ chiếu Việt Nam Cộng hoà từng được sử dụng để qua Mỹ, một trương mục tiết kiệm tại Ngân hàng Sài Gòn hay một thẻ căn cước công dân trước năm 1975, những cuốn sách gối đầu giường của một thời học sinh – sinh viên miền nam Việt Nam, những bộ chén, đĩa của thập niên 1960. Đó là những gì có trong bộ sưu tâm những kỷ vật miền nam Việt Nam mà một gia chủ ở ngoại ô thủ đô Washington DC đã gìn giữ trong suốt gần nửa thế kỷ từ ngày qua Mỹ tị nạn cộng sản.

Anh Phước Nguyễn, thành phố Annandale, bang Virginia nói:

Tất cả nó làm tôi nhớ lại ngày xưa ba mẹ thường dặn trước khi đi đâu thì đi thưa về trình, ra đường gặp người lớn tuổi hay những người tật nguyền mình phải nhường bước, gặp đám ma thì mình phải giở mũ đứng chào… Đó là những cái gì rất là nhân bản của xã hội miền nam. Mỗi lần tôi đụng lại những cái tô của thập niên 1960, 1970 tôi nhớ lại hồi đó anh em trong nhà đứa này ăn cái này, đứa kia ăn cái kia, còn những cái tô chén nào để cúng ông bà. Mình học được từ những điều nhỏ nhặt nhất ấy.

Còn đây là rất nhiều món đồ chơi của anh Phước khi còn nhỏ. Anh cho biết, một người bạn thân đã từng chơi chung với anh những món đồ chơi này ở Sài Gòn thời niên thiếu, khi qua Mỹ định cư đã đem theo tặng lại anh. Và các món đồ chơi này đều tạo ra rất nhiều bất ngờ và tò mò cho các bạn trẻ gốc Việt có dịp thăm anh Phước.

Nhà văn Lê Thị Nhị, thành phố McLean, bang Virginia chia sẻ:

Trong khi truyền đạt lại văn hoá cho các em thì nó có nhiều hình thức lắm. Có sách báo, có những bài viết và có cả những buổi nói chuyện… Nhưng mà cũng phải có những cái hiện vật để cho các em thấy rõ ràng về cái nếp sống của người Việt Nam ở miền nam trước năm 1975. Từ đó các em thấy được sự nguy hại mà chế độ mới đem lại cho đất nước hiện nay.

Anh Phước Nguyễn, thành phố Annandale, bang Virginia cho biết thêm:

Mỗi khi tôi đưa lại các món kỷ vật này cho tụi nhỏ thì tôi thấy rằng, mặc dù tụi nó đều sinh ra ở xứ người nhưng trong ánh mắt đều có sự nồng sáng, có một cái nét gì rất độc đáo của người Á Đông mình. Tôi nhìn thấy cả cái bầu trời rực rỡ trong những ánh mắt đó khi các em hỏi: “Oa, cái này của Việt Nam mình hồi xưa hả chú? Ông bà mình ngày xưa làm ra nhiều cái hay vật ạ? Thì tôi trả lời: “ Ừ đấy là di sản và văn hoá Việt Nam đấy.”

Không chỉ nằm im lìm trong những ô cửa kính tại gia và trong ký ức của những người Việt tị nạn thế hệ thứ nhất như anh Phước, những kỷ vật miền nam Việt Nam này thường xuyên góp mặt tại các chương trình giới thiệu văn hoá và sinh hoạt khác nhau của cộng đồng người Việt ở khu vực thủ đô nước Mỹ để các thế hệ tiếp nối có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu.

Tháng 4 tới đây, anh Phước và những người bạn của mình sẽ ra mắt triển lãm những kỷ vật miền nam Việt Nam, quy tụ các hiện vật mà những người Việt tị nạn cộng sản ở khu vực thủ đô nước Mỹ vẫn gìn giữ suốt hàng chục năm qua như một di sản và một miền ký ức trong mỗi gia đình người Việt. ---

VOA Tiếng Việt - Cập nhật thông tin trung thực, đa chiều về tình hình Việt Nam, quốc tế. Tin tức Biển Đông. Phóng sự đặc biệt về nhiều đề tài: khoa học-công nghệ, giáo dục, đời sống, xã hội, thương mại, sức khoẻ, văn hoá, giải trí… Hỏi đáp trực tiếp 🙋 qua Facebook Live https://bit.ly/3f603Y4 và YouTube Live https://bit.ly/3D1eHwi với khách mời VOA xoay quanh các chủ đề y học, du học Mỹ, di trú Mỹ và kinh tế.

🛎 Đăng ký và nhấn chuông để cập nhật các tin tức mới nhất: https://bit.ly/VOATiengVietYouTube
  Chủ Đề: 

No comments