Về chuyện văn chương – báo chí Miền Nam

Về chuyện văn chương – báo chí Miền Nam
Tản mạn – Hoài Nguyễn
---------------------------
Miền Nam Việt Nam hay VNCH tuy chỉ tồn tại hơn 20 năm trời (1954-1975) nhưng có thể nói một cách công bằng là lĩnh vực về văn chương – báo chí phát triển hơn hẳn Miền Bắc cùng thời kỳ đó.
Số lượng sách báo thời ấy phát hành tự do và khá nhiều mà không có sự can thiệp quá sâu rộng của chính quyền chủ yếu là theo nhu cầu của các tầng lớp độc giả từ bình dân đến thượng lưu trí thức, tất cả đều có đủ.
Tiếc thay sau ngày Miền Nam sụp đổ, hầu hết sách truyện các loại, tiểu thuyết, báo chí, sách nghiên cứu … đều trở thành tro bụi! Số phận các văn hóa phẩm Miền Nam cũng giống như thân phận con người thua cuộc, cũng trốn chạy, chui rúc hoặc may mắn hơn theo những người dòng di tản ra nước ngoài. Sau 40 năm trời, để tìm được những loại văn hóa phẩm như sách báo, băng đĩa cũ thời ấy như chuyện … mò kim đáy biển!
Ngày ấy dường như phương tiện truyền thông chung chỉ có đài phát thanh Sài Gòn, đài tiếng nói Quân đội và một số ít đài địa phương. Sau này để phục vụ cho chiến tranh, có thêm đài “bí mật” như đài Mẹ Việt Nam, đài Gươm thiêng Ái quốc đặt ở đâu đó ngoài miền Trung chủ yếu “chỉa sóng” ngắn vào miền Bắc để phục vụ cho công tác tuyên truyền. Giữa thập niên 1960, có thêm đài truyền hình Sài Gòn… Về báo chí tạp chí thì với nền tự do báo chí, ở miền Nam có khá nhiều loại báo chí từ nhật báo, tuần báo, nguyệt san, bán nguyệt san … phục vụ cho đủ tầng lớp dân chúng và độc giả.
Ngày ấy, ba tôi rất thích xem báo nên ông thường đặt báo tháng và những báo thường đặt thay đổi theo từng thời kỳ tùy vào nhu cầu lúc đó. Tôi còn nhớ những loại báo ngày ấy nhà thường đọc từ những năm đầu thập niên 1960 như báo Ngôn Luận, Tia Sáng … rồi sau này là những báo như Tiếng Chuông, Sóng Thần… Sau này khi truyện kiếm hiệp của Tàu nhất là của Kim Dung đăng nhiều kỳ trên báo bên Hongkong và qua Việt Nam được dịch và đăng “nhỏ giọt” trên báo thì ông ba mua thêm báo Dân Việt …
Trong những tuần báo ông ba thường đặt mua tháng kèm theo nhật báo là những tờ Phổ Thông, Thời Nay, Văn rồi sau này ông ấy mê “số đề” nên còn mua thêm báo Diều Hâu, báo Phụ Nữ Ngày Nay … để tìm trong những trang bìa những “con số” bí mật ẩn dấu đâu đó trên hình các người lính, những cô gái rất sexy…Riêng ông là lính lái xe cho Tiểu Khu Quảng Ngãi nên cũng thường hay mang báo Chiến Sĩ Cộng Hòa về cho tôi đọc…
Về báo chí thời ấy chủ yếu in bằng kỹ thuật typo và sau này có hiện đại hơn là một báo chí, tạp chí, sách truyện chuyển qua in offset. Về truyện thì tôi đã thích đọc từ rất nhỏ từ những truyện tranh đầu tin như Batman, Superman ... đến sau này là những truyện Tàu có tranh minh họa kèm theo như Tề Thiên Đại Thánh, Phong Thần, Thủy Hử…
Lớn dần lên, lại chuyển sang đọc truyện không có tranh vì sợ bị chê là “con nít”. Nhiều nhiều lắm với trên nửa thế kỷ không thể nào nhớ lại hết những cuốn truyện cuốn sách đã từng đọc qua nhưng có thể nói là hồi ấy sách đọc đủ thể loại và có …”vô thiên lủng”, cơ man nào là sách và phù hợp với từng tầng lớp độc giả.
Hồi con nhỏ, tuy rất “sợ ma” nhưng nghe nói sách của Người Khăn Trắng viết “hay lắm”, thế là tôi mua về đọc. Đến gần đoạn xuất hiện tình tiết “có ma” hiện về báo oán, khiếp quá phải làm một bóng đèn nhỏ 12 volts dùng “pin lát” của máy PRC 25 chui vào mền US để …. đọc cho yên tâm “ma” không thấy!
Sách báo nhà mua rồi đọc xong cũng chỉ biết cột lại chất đống bỏ trên gầm nhà, nhu cầu đọc thì vô cùng nên tôi thường phải đi thuê truyện hoặc đi mượn của bạn bè về đọc. Tiệm sách Minh Hồng góc chợ Quảng Ngãi là một kỷ niệm gắn bó một thời còn nhỏ của tôi, thuê truyện thường xuyên đến nỗi ông chủ quen mặt và không lấy tiền đặt cọc. Hồi ấy phải nói là tôi đọc nhanh kỷ lục. Mê sách đến nỗi một bộ truyện Tàu, truyện kiếm hiệp gồm nhiều nhiều quyển mà có khi tôi đọc chỉ trong hai ba ngày…
Đến thời Trung học Đệ I cấp, có ông thầy Thân dạy môn Giảng văn, là người bà con họ, dù độc thân nhưng trong nhà chứa đầy sách chủ yếu sách văn học. Tôi bám vào ông thầy “bà con” này để mượn sách về đọc để “học” cách viết văn theo như lời ông thầy khuyến khích học sinh của lớp. Có hôm ông mang cuốn truyện “Thằng Vũ” của Duyên Anh đến lớp và giới thiệu với cả lớp một “tác phẩm mới” mà học trò nên đọc. Nhìn cái hình bìa thấy hình vẽ minh họa “Thằng Vũ” là một chú bé cỡ như bọn chúng tôi, mặc xà lỏn, tay cầm cần câu, tay xách giỏ đi câu..
lũ chúng tôi khoái quá, đứa thì ra tiệm sách mua, đứa thì đi thuê …về đọc. Từ đó bọn chúng tôi “mê” Duyên Anh và tìm đọc hầu như hết cả sách của ông nhà văn này. Những quyển truyện Duyên Anh viết cho tuổi thơ ngày ấy có thể nói là hay, hấp dẫn và phù hợp với lứa tuổi mới lớn nên lần lượt những “Con Thúy, Thằng Côn, Dzũng Dakao, Bồn lừa …” chúng tôi đều “nhai ngấu nghiến”. Rồi nữa sau này chuyển qua đọc truyện “lớn hơn” có màu sắc “yêu đương” và “giang hồ” nơn một tí như “Điệu ru nước mắt”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang”… Rồi tiếp theo là những “Loan mắt nhung” của Nguyễn Thụy Long, “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng …
Ông thầy Hưng dạy Sử của tôi thì lại mê truyện trinh thám, tình báo điệp viên nên thi thỏang kể chuyện thay vì dạy cho những câu chuyện gián điệp Z 28 của Người Thứ Tám hoặc James Bond 007 của nhà văn Ian Fleming … và thế là chúng tôi mê luôn thể loại truyện này! Lại có ông thầy Biên, có vợ cũng người bà con với nhà tôi, có cả một tủ sách truyện nước ngoài, nguyên bản có , đã dịch có. Vì thầy dạy môn Anh văn vốn trước kia đã dạy Pháp văn nên nhà có nhiều sách hay của nước ngoài như “Những kẻ khốn nạn” của Victor Hugo, “Chuông gọi hồn ai” của Hemingway,
“Một thời để yêu, một thời để chết” của Remarque …
Tủ sách thư viện của trường tôi thời ấy có nhiều sách truyện văn học trong nước cũng như sách dịch chủ yếu phục vụ cho học sinh. Chỉ cần có thẻ thư viên trường cấp là cứ vô tư đọc hết quyển này đến quyển khác. Nguồn sách thư viện gần như đa số là sách của Tự Lực Văn Đoàn …
Lũ chúng tôi ngày ấy cứ như con “mọt sách” ấy! Hết “thư viện gia đình” lại nhờ vào sách thư viện trường rồi cũng “lần” đến thư viện tỉnh trước Tòa Hành chính tỉnh…
Cũng nhờ đọc sách một cách “vô tội vạ” như thế mà hầu như lớp học sinh chúng tôi ngày ấy làm văn tương đối “dễ dàng”. Những năm học trung học, hầu như tôi cũng đều làm “sơ-mi” môn Luận văn…
Những người thầy thời ấy hầu như ông nào cũng có một tủ sách khá to với đủ các thể loại chủ yếu là sách văn chương, hiếm có sách truyện “lá cải”…
Lương của thầy giáo ngày ấy khá cao, bình quân mỗi tháng có thu nhập tương đương với 4-5 lượng vàng bây giờ nên việc mua sách đối với thầy giáo không quá “khó khăn” như bây giờ. Và cũng nhờ có đọc sách cổ kim đông tây nhiều mà kiến thức của thầy trò ngày ấy khá phong phú …
Sách báo trong một “thế giới tự do” như thế nên cũng phát triển rất đa chủng loại. Sách hay dở đều có, sách tốt, nhãm nhí cũng không phải là không có. Tùy theo nhu cầu của người đọc và sự chọn lọc của độc giả mà một tờ báo, một cuốn sách có thể tồn tại. Viết hay thì người ta đọc, dở thì bị tẩy chay và đóng cửa …Thế thôi! Không “có ai” bảo phải viết như thế này, như thế nọ, viết không đúng sự thật còn bị phải hầu tòa nữa kia!
Riêng tôi cũng sắm được kha khá một số sách truyện, tiểu thuyết dạng văn học nhất là những tác phẩm được giải Nobel Văn học… Thế nhưng sau 1975, số phận những quyển sách báo mà cha con tôi chắt chiu góp nhặt gần 20 năm trời cũng theo “Bà Hỏa” thành tro bụi cùng với vận nước VNCH!
Sau năm 1975, “Bên thắng cuộc” không hiểu vì lẽ gì đã “căm thù” chế độ mà họ đã đánh đổ mà còn “căm ghét” cả những gì thuộc một nền văn hóa sản sinh trong xã hội miền Nam trong hơn 20 năm trời?
Tất cả những gì “thuộc về” miền Nam từ vật chất đến tinh thần thì chính quyền mới muốn phá hủy “sạch trơn” theo kiểu cách mạng, xóa sạch cái cũ để xây dựng cái mới hoàn toàn! Nghe kể lại là cả công trình kiến trúc nổi tiếng ở Sài Gòn lúc đó là Dinh Độc Lập, nếu không có sự “ngăn cản” của ông Võ Văn Kiệt thì cũng chung số phận với số “văn hóa phẩm đồi trụy” của miền Nam!
Công bằng mà nói thì văn hóa phẩm miền Nam thời ấy được công chúng chấp nhận đều chẳng có gì là… “đồi trụy” cả ngoại trừ một số tạp chí “khiêu dâm” theo chân quân đội Mỹ “đổ bộ” vào miền Nam như tạp chí Playboy chủ yếu cho mấy chàng lính Mỹ “rửa mắt” sau những trận hành quân gian khổ của họ. Loại này rất ít và nếu có ở ngoài xã hội thì cũng chỉ có ở những gia đình có người làm ở Sở Mỹ do lính Mỹ vứt đi, nhặt nhạnh mang về nhà xem vì thấy có những hình cô gái Mỹ…tươi mát. So với những hình ảnh bây giờ đầy rẫy trên mạng Internet thì cái tạp chí Playboy ngày xưa là quá …hiền lành!
Các sách vở giáo khoa, tài liệu biên khảo trừ một số có quan điểm khác với cái nhìn của người Marxism ….thì hầu như đều mang tính nghiêm túc, khoa học và khá là khách quan…
Sách truyện, tiểu thuyết, sách nghiên cứu ở miền Nam lúc đó rất đa dạng và phong phú.
Có thể dễ dàng tìm mua, tìm đọc những dạng sách như “Tư bản luận” của Marx hoặc sách của những tác giả “cộm cán” đang phục ở miền Bắc lúc đó như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận … chẳng hạn. Những thơ của những nhà thơ miền Bắc vẫn được miền Nam phổ nhạc và rất thịnh hành như “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, “Các anh đi” (Bộ đội về làng) của Hoàng Trung Thông …
Sách của Tự Lực Văn Đoàn thì chỉ vài quyển sau này khi nhà văn Nhất Linh tham gia đảng phái quốc gia có “hơi hám” chính trị, còn lại chỉ là những quyển tiểu thuyết hô hào cải cách đổi mới xã hội theo chiều hướng Âu hóa …
Sách truyện tiểu thuyết của các văn hào thế giới viết từ thuở nào xa xưa khi chủ nghĩa cộng sản chưa ra đời thì có gì là “phản động” để rồi cũng bị chung số phận trốn chui trốn nhủi và bị “hỏa thiêu” một cách tức tửi?
Sau ngày 30/4/1975, khi ấy tôi còn ở Sài Gòn và sau này về quê có chứng kiến và nghe kể lại chính những thanh thiếu niên nam nữ trước đây đã từng đọc và biết rằng những cuốn sách họ từng đọc một thời đâu có gì là ghê gớm, là những tên “giặc văn hóa, biệt kích văn hóa” đâu! Nhưng lệnh trên bảo phải “tận diệt”, phải “bài trừ” … “văn hóa phản động đồi trụy của Mỹ - Ngụy” thì đám “trẻ trâu” này phải làm thôi!
Từng đêm những đứa trẻ vai mang khăn quàng đỏ, trống ếch vang ầm khắp khu phố đầu làng cuối ngỏ hô hào mọi người phải “gom hết, nạp hết” cái thứ mà bọn trẻ này hô ra nhưng cũng chưa thật sự hiều chúng hô cái gì!
HÌnh ảnh đó khiến tôi nhớ lại những truyện như “Thằng Vũ”, “Con Thúy”, “Thằng Côn” mà xưa kia tôi đã từng đọc và rất giống cảnh của miền Bắc sau Cách mạng Tháng Tám 1945 …
Người dân miền Nam lúc đó thật sự sợ hãi “những người anh em bà con” vừa chiến thắng mình. Họ bảo sao nghe vậy bởi nếu không làm theo ý họ thì sẽ có cái “mũ phản động” chụp ngay trên đầu bà những trại cải tạo sẽ là nơi “mỉm cười” với họ!
Người dân muốn sống yên ổn bên phải đắng lòng đốt tất cả quá khứ đời một người cùng với những kỷ niệm, những sự nghiệp từ quá khứ đó mà ra.
Người dân miền Nam cũng tự hiểu rằng, phải đốt tất cả những gì cần đốt, không phải chỉ đốt những kỷ niệm mà tất cả những gì liên quan đến đời sống đó. Một đời sống mà người miền Nam sống trong xã hội đó như là một điều xấu, một bản án rồi.
Có lẽ nhiều người bây giờ tiếc ngẩn tiếc ngơ tại sao hồi đó cứ “cả gan” đem chôn kín, cất kỹ đâu đó thì ngày nay những “sách cổ” đó có giá trị vạn lần như ngày xưa nó đã từng tồn tại!
Tuy nhiên cũng có nhiều người vì tiếc rẻ giá trị của những sách báo này mà không nỡ lòng đem đốt, đem nạp chính quyền mới để thiêu đốt công khai mà cũng có người mang bán “đồng nát” với tất cả những tài liệu vô thưởng vô phạt khác!
Ở nơi bán ve chai ấy, có khi người ta bắt gặp “Aristote hội ngộ với Kant”. “ Bùi Giáng gặp mặt được Heideigger”! Bi hài kịch của một thời!
Chính quyền của “Bên thắng cuộc” coi sách vở báo chí, phim,hình ảnh, băng đĩa nhạc, tiểu thuyết… miền Nam chỉ là thứ "rác rưởi" cần phải tịch thu, thiêu hủy và phải làm theo kiểu của Tần Thủy Hoàng xưa kia bên Tàu!
Một số người xưa kia từng chắt chiu mua những cuốn sách quý có giá trị văn học lớn nhưng nay đành phải đốt hoặc …bán ký!
Tự nhiên những cuốn sách báo, phim ảnh một thời được trân trọng trong các tủ sách gia đình làm “tăng vẻ trí thức” của họ nay trở thành vô tích sự và nếu “tàng trữ”, bị phát hiện đâm ra mang họa vào thân!
Nhiều thứ từ ngữ được gán ghép cho các loại văn hóa phẩm đó lắm. Không là “phản động” thì cũng là “đồi trụy” hoặc “lai căng”, cần phải “quét sạch” tàn dư “Mỹ - Ngụy”!. Được làm vua, thua thì tất thảy là giặc mà !
Sách vở gì cũng sợ nên sách gì cũng phải tẩu tán. Sách vở bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, mặc dầu chúng là người ngoại quốc, mặc dầu chả dính dáng gì đến chuyện chính trị hay chiến tranh Việt Nam, chúng cũng chịu chung số phận như thế!
Sách của những nhà văn bị chính quyền mới đưa vào “sổ đen” thì sự lùng sục càng dữ dội mặc dù những tác giả của nó có thể đã vào tù hoặc vượt biển ra nước ngoài.
Thời sau 1975, tìm được tác phẩm của các tác giả này là cực kỳ khó trên hàng đống sách mốc meo trên vỉa hè ở Sài Gòn cũng như các thành phố khác ở miền Nam.
Tình cờ khi vào Quy Nhơn thăm ông bác, dạo chơi gần rạp hát Lê Lợi, thấy có sách cũ mốc meo nằm bày bán, tôi tò mò và cũng muốn tìm lại vài quyển để đọc vì tủ sách ở nhà cũng chung số phận “hỏa thiêu” rồi.
Tôi thử hỏi vài truyện của Phan Nhật Nam, Duyên Anh, Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, Nguyễn Thụy Long, Hoàng Hải Thủy, Người Thứ Tám … thì chủ hàng sách “phế liệu” vốn là một ông thầy giáo trước đây, nhìn tôi e ngại và lắc đầu!
Hỏi bâng quơ về sách dịch thì may quá, ông ta lôi tìm được hai cuốn …Trời ạ! Đó là quyển “Bản du ca của loài người không còn đất sống” của Erich Maria Remarque và quyển Exodus của Leon Uris! Tôi mừng như “được của” và vội cầm ngay với giá …cân ký như cho không!
Mang về nhà đọc ngấu nghiến rồi khi vào lại Cao nguyên, quên mang theo, đến khi Hè năm sau về nhà tính mang theo thì ôi thôi, hai quyển đó cũng không còn nữa. Nghe cô em kể là có một người bạn của nó đến nhà chơi, thấy hai cuốn sách đã mượn để xem. Một thời gian cô em hỏi lại thì người bạn ấy bảo là có một người bạn khác chuyền tay nhau đọc và không biết trôi dạt đến phương trời nào?
Giận em lắm nhưng cũng thôi đành vì cũng có người hiểu được giá trị của sách và đã cất giữ nó …thay mình!
Ở đời, thứ gì càng cấm đoán thì lại càng có giá trị nên những loại sách báo cũ ở miền Nam xưa kia có một thời sau 1975 được xem là đồ “đồng nát” phế liệu thì nay nếu muốn tìm kiếm mua lại quả là không dễ dàng gì và có giá cũng không phải là “cân ký” nữa.
Bây giờ sau 40 năm, người ta đã nhận chân ra điều chân giả, đâu là “lai căng” “vong bản”, đâu là thực sự là “văn hóa phẩm” đích thực. Tôi nhớ cách nay gần 20 năm khi về quê nghỉ Hè thì thấy “đồn đoán” là các truyện của Kim Dung đã …cho in trở lại! Mà quả đúng vậy thật! Nhưng mà in chui, in lậu, dựa vào kẽ hở xin giấy phép xuất bản, một nhà in ở quê tôi đã “in trộm” một số truyện của Kim Dung. Dân quê tôi vốn máu mê kiếm hiệp nên lúc đó loại sách “in lậu” này bán chạy như tôm tươi.
Xu thế đó bây giờ vẫn tiếp tục bắt nhịp và hiện nay trên các quầy sách đã bắt đầu xuất hiện trở lại những sách truyện tiểu thuyết mà ngày xưa đã một thời bị coi là “giặc”!
Những tác phẩm văn học là thế nhưng những người “đẻ” ra chúng cũng bi đát không kém!
Có nhiều nhà văn xưa kia trói gà không chặt, chưa từng khoác áo lính nhưng nhưng được “cách mạng” khoác cho chiếc áo “biệt kích văn hóa” và có người vào tù đến khi ra khỏi trại thì cũng vừa xong cuộc đời như nhà thơ Vũ Hoàng Chương chẳng hạn.
Có vẻ nhà cầm quyền lúc đó muốn quy chụp tác giả hơn là tác phẩm. Vũ Hoàng Chương, Mai Thảo, Duyên Anh, Đinh Hùng, Hoàng Hải Thủy, Nguyên Sa, Chu Tử, Thanh Tâm Tuyền, Nhã Ca, Võ Phiến, Văn Quang, Dương Nghiễm Mậu Nguyễn Mạnh Côn, Tạ Tỵ có viết gì dù là sách truyện cho thiếu nhi, phụ nữ … cũng vẫn bị coi là thứ "biệt kích văn nghệ".
Thế là “rau nào sâu nấy”, tác giả đã bị quy chụp thì tác phẩm của họ cũng không thoát tội và cứ thế mà lên “giàn hỏa” như những thánh tông đồ La Mã!
Nhà văn Mai Thảo dù chỉ viết truyện thuần túy văn chương như: “Người thầy cũ, Mười đêm ngà ngọc, Căn nhà vùng nước mặn hay Bày thỏ ngày sinh nhật…” cũng vẫn bị coi là tên Biệt kích văn nghệ hàng đầu của miền Nam. Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền dù siêu thực hay lãng đãng bí hiểm như: “Tôi không còn cô độc, Bếp lửa, Cát lầy…” cũng là kẻ cấy mầm độc tư tưởng ngoại lai thoái hoá. Hủy diệt các niềm tin thì đã có Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện. Duyên Anh có viết Dấu chân sỏi đá, Hoa thiên lý, Thằng Khoa, Gấu rừng, Giặc ô kê cho trẻ con cũng vẫn là tên đầu sỏ văn nghệ nguy hiểm.
Người ta nhắm đánh vào người, nhắm thái độ lập trường chính trị để đánh giá tác phẩm của tác giả.
Vì nhắm tác giả nên có nhiều văn nghệ sĩ tự nhiên được sót tên một cách cố ý. Đó là những văn nghệ sĩ một mặt nào đó có thể không chịu xếp hàng trong xã hội miền Nam cho dù thực sự họ cũng xếp hàng như mọi người. Có nghĩa là xét về mặt tác phẩm thì những văn nghệ sĩ này cũng chẳng khác gì các văn nghệ sĩ vừa kể ở trên. Có gì phân biệt được về phong cách viết giữa Bình Nguyên Lộc với Lê Xuyên hay với Võ Phiến. Nhưng Bình Nguyên Lộc được tha. Giữa Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung mà đôi khi ta tưởng hai người có cùng một lập trường, cùng một quan điểm và cùng một đường lối. Nhưng tác phẩm của họ thì lại bị phân biệt đối xử khác nhau.
Theo một tư liệu tìm đọc được thì trong số những người sót tên trong “sổ đen” phải kể đến Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vũ Hạnh, Lý Chánh Trung, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Thích Nhất Hạnh.
Cũng nghe nói là người bất hạnh nhất trong các văn nghệ sĩ miền Nam lúc đó có lẽ là nhà văn Nguyễn Thụy Long tác giả của “Loan mắt nhung”. Sau 1975, ông lê kiếp “số phận nhà văn” như một con chó đói, một loài chuột chui nhúc để kiếm sống.
Một chế độ chính trị có thể bị thua, bị giải thể, bị xóa sổ nhưng những thứ mà ta vẫn gọi là “văn hóa phẩm” đã tồn tại trong thể chế đó cũng bị “ghép tội” và bị tận diệt theo chế độ thì chắc ngày xưa bên Tàu có Tần Thủy Hoàng và ngày nay bên nước Việt thi hành từ sau năm 1975?
Trong 20 năm tồn tại thể chế chính trị ở miền Nam và nền văn học nghệ thuật đó, các tác phẩm văn học nghệ thuật và các tác giả tạo ra nó xác định cho thấy chỗ đứng của nó với sắc thái và cá tính của một nền Văn học đích thực. Một nền văn học mà sản phẩm của nó là kết quả của tự do suy nghĩ, tự do sáng tác. Đấy là cái ưu việt của sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam mà trong suốt mấy chục năm chia cắt và cả sau mấy chục năm thống nhất đất nước rồi, người ta vẫn chưa thực hiện nổi một điều đơn giản đó. Trong thời gian gần đây, dường như nhận thức trở lại và cảm thấy có sự “sai lầm” của những người lãnh đạo đất nước giai đoạn sau năm 1975, chúng ta thấy một số các “văn hóa phẩm” miền Nam trước đây đã một thời bị ruồng rẫy, cấm đoán hoặc truy lùng để tận diệt, nay đã xuất hiện trở lại trên các quầy sách báo, băng đĩa nhạc …Đó là điêu đáng mừng và là một giải pháp góp phần cho việc hòa hợp hòa giải dân tộc.
Tuy nhiên cũng cần nói thêm chất lượng của một số tác phẩm văn học nghệ thuật được “tái sinh”.
Nếu ai đã từng đọc những tác phẩm dịch từ tác giả nước ngoài như Hemingway, Remarque, Tolstoy … do các dịch giả miền Nam trước đây chuyển ngữ sang tiếng Việt và cũng đồng thời tác phẩm đó do những người bây giờ dịch thì sẽ nhận thấy có khoảng cách biệt về chất lượng về văn phong, cái “hồn” của tác phẩm…
Cũng thời những ca khúc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến … nhưng nghe Khánh Ly, Hà Thanh, Lệ Thu. Thái Thanh, Mai Hương, Anh Khoa, Sĩ Phú …thể hiện thì lớp ca sĩ ngày nay hát cứ trơ trơ như như cái máy hát …
Sài Gòn ngày xưa tại sao đến bây giờ người ta vẫn còn hòai niệm , không những chỉ lớp người “muôn năm cũ” mà cả những người sau này vẫn thấy yêu quý do những hình ảnh còn lưu trữ và phổ biến trên mạng toàn cầu, dù bây giờ Sài Gòn đã được thay tên, có quy mô lớn hơn, hiện đại tân kỳ hơn nhưng sao người ta cũng khó lòng cảm thấy gần gũi, hoài nhớ hơn một Sài Gòn xưa?
Phải chăng phần “hồn” con người là quan trọng và dẫu phần “xác” có bị thời gian bào mòn, gậm nhấm nhưng phần hồn của mỗi con người là “bất biến” với thời gian…?
Con người có thể có nhiều, rất nhiều mối tình đi qua cuộc đời của mình nhưng có lẽ mối tình đầu, nếu xác định đó là “mối tình đầu” thì bao giờ cũng đẹp phải không và người ta luôn hoài niệm day dứt về mối tình xa xưa đó dù bây giờ hiện hữu một mối tình … mới toanh! Một ngày chủ nhật cuối tháng 8, “bỗng dưng” đâm ra hoài niệm lung tung và viết cho các bạn đọc “một mớ” … tản mạn cũng linh tinh… Tạm dừng cái mớ tản mạn ở đây vì nếu không sẽ chẳng biết bao giờ dừng … bởi vì đó là tản mạn!
Hoài Nguyễn - 30/8/2015
  Chủ Đề: 

No comments