Quán cơm miễn phí ở Bình Dương | VOA Tiếng Việt


Trên đường Phan Chu Trinh, khu phố Đông Nhì, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, có một quán ăn giá 0 đồng, phục vụ cho những người có nhu cầu ăn cơm. Bà con tới dùng bữa tại ‘Bếp cơm nghĩa tình’ chủ yếu là người lớn tuổi, trẻ em nhà nghèo, người bán vé số, phụ hồ, chạy xe ôm...

Bà Phạm Minh Phương, nhân viên tại ‘bếp cơm nghĩa tình’chia sẻ.

“Hằng ngày thì mình mở cửa là bắt đầu cho mọi người tới dùng cơm đó là từ 11 giờ cho đến hết cơm. Mình làm, mình sẽ cho là từ thứ 2 tới thứ 6. Đối tượng nào tới đây ăn cũng được hết, không có phải phân biệt là người giàu, người nghèo hết. Ai cần muốn ăn thì tới đây, chỉ cần việc là mọi người tới đây xếp hàng rồi vô trình tự, mỗi người đều có khay cơm và có nước kế bên, mọi người chỉ lấy cơm ăn xong rồi đổ khay, đổ thức ăn thừa vô thùng ở ngoài đó và có người rửa khay”.
Với những ai lớn tuổi hoặc những trường hợp đặc biệt, chỉ cần vào bàn ngồi là có nhân viên phục vụ tận nơi.

Mưu sinh bằng nghề bán vé số, bà Nguyễn Thị Hạnh nói rằng bà thường xuyên ghé quán dùng cơm.

“Nói chung là ngày nào cô cũng có ghé, 11 giờ là cô ghé đặng cô dùng quán cơm 0 đồng này. Phục vụ rất tốt đó cô, ơ cậu như là đối với người ăn uống đồ, phục vụ đồ cũng hỏi thăm nom, món ăn đồ, như vậy đồ, cô bác thấy sao? Nói dạ được. Rồi hỏi coi giờ có ăn cơm thêm hay ăn cái gì thì quán phục vụ cho mình”.

Nhân viên của bếp sẽ đi chợ sớm để lựa được những thực phẩm tươi nhất. Mọi công đoạn thường sẽ được hoàn thành trước 10 giờ sáng. Với những người khó khăn trong đi lại, bếp cơm sẽ trao tận nhà từng phần ăn. Nhân viên bếp cơm Minh Phương giải thích vì sao quán thường không cho đem về.

“Chị nhất định là không cho đem về, tại vì ăn ở đây nó ngon, hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm. Khi đem về, nhiều khi thức ăn ôi thiu sẽ gây ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Nên chị là không đảm bảo vấn đề đó. Nhưng ở đây ăn là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồ tươi đồ sống hằng ngày không để qua đêm, nhất là cơm, thức ăn. Tại vì ở đây đối tượng là người già rất là nhiều, và em bé nữa”.

Những phần ăn như vầy đã phần nào đỡ đần chi phí sinh hoạt cho nhiều phận đời có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Hạnh nói tiếp.

“Những người như cô vậy nè, ăn như vậy. Một bữa ăn như thế này là đỡ một phần tiền để dành, nhiều khi nhức đầu, sổ mũi hoặc cái gì đó có tiền để mà xoay chuyển trong nhà, tiền nhà trọ đồ đó”.

Thực đơn tại ‘bếp cơm nghĩa tình’ này cũng được thay đổi mỗi ngày. Một khay cơm sẽ có một món mặn luân phiên từng ngày đi kèm các món rau, canh. Những ngày chay, trung bình sẽ khoảng 450 suất ăn, và với món mặn, sẽ vào khoảng 550 – 600 suất ăn cho mỗi ngày.

---
  Chủ Đề: 

No comments